Bài tập nằm gác chân lên tường ngày càng được chị em ưa chuộng do rất dễ thực hiện và không cần nhiều dụng cụ hỗ trợ. Nhưng thực hiện bài tập này có công dụng gì không, tập như nào mới đúng và hiệu quả thì chưa hẳn nhiều người nắm được. Bài viết này sẽ cung cấp kiến thức liên quan đến tác dụng của việc nằm gác chân lên tường cũng như cách thực hiện và một số lưu ý.

Tác dụng của việc nằm gác chân lên tường

Nằm gác chân lên tường là một bài tập yoga phục hồi đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

Giải tỏa căng thẳng, thư giãn tinh thần

Tập nằm gác chân lên tường kết hợp với chủ động điều hòa nhịp thở có tác dụng giúp cơ thể thư giãn, thả lỏng, bước vào trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra còn có tác dụng điều hòa hoạt động của tim, khiến tim đập chậm lại, từ đó giải tỏa căng thẳng, giảm lo âu, mệt mỏi, cải thiện tình trạng mất ngủ.

Nằm gác chân lên tường giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng
Nằm gác chân lên tường giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng

Tăng cường lưu thông máu

Tình trạng ứ đọng máu ở hai chi dưới sẽ được cải thiện nếu thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường. Do khi đó, dưới tác dụng của trọng lực, máu từ phần dưới cơ thể sẽ về tim dễ dàng hơn. Nhờ lượng máu về tim nhiều nên các cơ quan khác, trong đó có não, sẽ nhận được lượng máu đủ cho hoạt động chức năng, từ đó giúp chúng ta luôn tỉnh táo, năng suất trong cả ngày.

Cải thiện tình trạng mất ngủ

Theo báo cáo kết quả từ những nghiên cứu khoa học, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc có thể là do cảm thấy không thoải mái, đau nhức hay các cảm giác nóng rát, chuột rút ở chân. Nằm gác chân lên tường giúp cải thiện dòng máu đến chân, thư giãn vùng cơ ở đây, từ đó dịu đi các cảm giác khó chịu gây mất ngủ. Đồng thời tăng cường máu lên não, giúp giảm đau đầu, khiến giấc ngủ được sâu và ngon hơn. Khi có một giấc ngủ tốt và chất lượng, ta sẽ đủ tỉnh táo và năng lượng để hoạt động cho cả ngày.

Có tác dụng giúp ngủ ngon, giảm mất ngủ
Có tác dụng giúp ngủ ngon, giảm mất ngủ

Cải thiện tình trạng đau nhức, phù nề ở hai chân

Cảm giác đau nhức hay phù nề ở hai chân là do suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay nguyên nhân nào khác khiến cho máu ở đọng ở chân, không về tim được. Lâu dần, khiến tích tụ nước và các sản phẩm dư thừa độc gây sưng, phù nề và nhức nhối ở chân. 

Khi nằm gác chân lên tường, máu sẽ theo lực hấp dẫn đi về tim một cách dễ dàng. Từ đó tình trạng ứ nước và các chất độc hại cũng được cải thiện do chúng thuận lợi theo máu về tim và thải trừ ra ngoài theo các con đường khác.

Bảo vệ cột sống và các khớp

Phần cột sống thắt lưng sẽ được duỗi thẳng, các khớp được thư giãn khi thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường. Ngoài ra, vùng cơ xung quanh giãn ra và phục hồi, máu lưu thông dễ dàng. Khi cột sống được bảo vệ tốt, thần kinh tủy sống bên trong cũng sẽ được bảo vệ, từ đó giảm các bệnh liên quan, các cơn đau vùng thắt lưng và xương chậu.

Tập gác chân lên tường giúp bảo vệ cột sống
Tập gác chân lên tường giúp bảo vệ cột sống

Tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa

Tập động tác nằm gác chân lên tường giúp ngăn ngừa táo bón, kích thích quá trình tiêu hóa nhờ tác dụng làm tăng nhu động đường tiêu hóa, tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải chất độc. Nhờ đó cũng giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đến đường ruột và gan.

Giảm gánh nặng cho phổi

Thực hiện động tác này thường xuyên có tác dụng làm tăng sức mạnh của vùng đan điền và tăng thu nạp oxy vào cơ thể từ đó hỗ trợ phổi thực hiện chức năng, giảm bớt gánh nặng cho hệ cơ quan này.

Có tác dụng giảm đường huyết

Trong Đông y có ghi lách và tay chân có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bài tập gác chân lên tường sẽ có tác động tích cực vào lách, kích thích hoạt động của lách, cải thiện chức năng tỳ vị và giúp giảm đường huyết.

Tác dụng điều chỉnh đường huyết của bài tập nằm gác chân lên tường
Tác dụng điều chỉnh đường huyết của bài tập nằm gác chân lên tường

Tốt cho làn da 

Nằm gác chân lên tường giúp lưu thông khí huyết, tốt cho quá trình bài tiết, giãn nở lỗ chân lông, tăng thải độc. Từ đó, làn da được cải thiện, khỏe mạnh và rạng rỡ hơn. Ngoài ra tập động tác này giúp làm tăng độ đàn hồi của vùng da hông, tăng sự dẻo dai, linh hoạt của cơ bắp hai chân.

Nằm gác chân lên tường như nào cho đúng

Để đảm bảo không xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn cũng như phát huy tối đa tác dụng của bài tập nằm gác chân lên tường, bạn cần nắm vững các bước thực hiện cũng như một số lưu ý quan trọng.

Các bước thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường

Tư thế đúng khi thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường
Tư thế đúng khi thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường
  • Bước 1: Chuẩn bị thảm tập hoặc một chiếc chăn, đặt sát tường, có thể chuẩn bị thêm một chiếc gối thấp để kê đầu.
  • Bước 2: Nằm ở tư thế ngửa, lùi mông càng sát tường càng tốt sao cho xương cụt vẫn chạm được xuống thảm. Đầu, cổ, lưng nằm trên một đường thẳng và áp sát xuống thảm.
  • Bước 3: Giơ thẳng hai chân và áp sát vào tường sao cho bàn chân vuông góc với tường và các cơ chân ở trạng thái thả lỏng, không gồng cứng. Đến bước này, các bạn sẽ cảm thấy căng cứng chân và đau nhức.
  • Bước 4: Giữ nhịp thở đều đặn, hít sâu, thở chậm trong khoảng 5 phút. Khi đã tập quen có thể tăng thời gian lên.
  • Bước 5: Để kết thúc bài tập, bạn từ từ hạ chân xuống, lùi ra xa tường và ngồi dậy một cách nhẹ nhàng. Hít thở sâu ở tư thế ngồi khoảng 30 giây.

Lưu ý khi thực hiện bài tập nằm gác chân lên tường

Một số lưu ý quan trọng khi tập luyện
Một số lưu ý quan trọng khi tập luyện
  • Thứ nhất, bạn nên lựa chọn cho bản thân một bộ đồ thoải mái nhất, có thể co giãn, không quá chật cũng không quá rộng.
  • Thứ hai, khi không có thảm tập, nhiều người lại lựa chọn một chiếc chăn quá dày, quá mềm, có độ lún từ đó khiến cột sống không thể duỗi thẳng, gây đau nhức.
  • Thứ ba, nhiều người khi mới tập thường nằm xa tường, chân duỗi không tập do cảm giác căng cơ, đau nhức. Nhưng như vậy sẽ làm cảm giác này lâu hết cũng như không đạt được hiệu quả tối đa của bài tập.
  • Thứ tư, tuyệt đối không được thực hiện động tác này sau khi ăn 30 phút. Ngoài khoảng thời gian này, có thể tập gác chân lên tường bất kỳ lúc nào.
  • Cuối cùng, tần suất tập luyện rơi vào khoảng 2 lần/ ngày, vào mỗi buổi sáng và tối.

Những đối tượng không nên nằm gác chân lên tường

Tuy bài tập này đơn giản và nhìn chung không có nhiều tác dụng xấu nhưng đối với một số đối tượng cụ thể thì vẫn có khả năng xảy ra các biến chứng trong khi tập.

Bệnh nhân bị tăng nhãn áp

Bệnh nhân tăng nhãn áp không nên thực hiện bài tập
Bệnh nhân tăng nhãn áp không nên thực hiện bài tập

Khi thực hiện động tác này, tư thế sinh lý bị đảo ngược, các dịch cơ thể sẽ bị dồn lên phần trên của cơ thể, làm tăng áp lực ở các bộ phận này và tăng nhãn áp (áp lực chất lỏng trong nhãn cầu) là một trong những hậu quả. Tuy rằng, khi ngừng tập và ngồi dậy có thể đưa nhãn áp về mức bình thường nhưng đây vẫn là động tác không được khuyến khích cho các bệnh nhân tăng nhãn áp. Do những hậu quả không thể lường trước được hậu quả trong khi tập.

Bệnh nhân có tình trạng phù toàn thân

Khi mắc một số bệnh như suy tim, suy thận, suy gan, bệnh nhân thường có kèm theo triệu chứng phù toàn thân, tức là nước bị tích lại trong cơ thể quá mức. Khi thực hiện động tác nằm gác chân lên tường, toàn bộ lượng dịch ở phần dưới sẽ dồn lên phần thân trên, gây quá tải và nguy hiểm cho hệ mạch máu cũng như các tổ chức ở đây, trong đó có tim. Khi muốn tập động tác này, người bệnh cần được tư vấn và hướng dẫn từ các bác sĩ, chuyên gia để đảm bảo tình trạng sức khỏe.

Bệnh nhân tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp không nên nằm gác chân lên tường do lượng máu dồn về tim cũng như các tổ chức thuộc phần trên cơ thể quá mức. Từ đó, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, mạch máu ở khu vực này chịu áp lực cao hơn, dễ dẫn đến tình trạng xung huyết, nguy hiểm nhất là ở não và tim. 

Bệnh nhân tăng huyết áp được khuyến cáo không nên nằm gác chân lên tường
Bệnh nhân tăng huyết áp được khuyến cáo không nên nằm gác chân lên tường

Tuy đây là bài tập đơn giản nhưng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần chú ý trong lúc tập luyện để đạt được tối đa hiệu quả và hạn chế tối thiểu những ảnh hưởng xấu. Mong qua bài viết này, bạn đọc đã có đầy đủ kiến thức liên quan đến tác dụng của việc nằm gác chân lên tường và các điểm lưu ý quan trọng khi thực hiện bài tập.